Dạy và học với thiết bị tương tác thông minh
Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm thiết bị tương tác thông minh, kết quả bước đầu cho thấy việc áp dụng thiết bị này mang lại hiệu quả tích cực.
Trường THPT Nguyễn Trãi là một trong những trường trên địa bàn thành phố được chọn thí điểm sử dụng bảng tương tác thông minh trong giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu học kỳ 2 năm học 2016-2017, nhà trường đã lắp đặt thiết bị tương tác thông minh tại 5 phòng học và tập huấn sử dụng cho giáo viên. Việc dùng thiết bị tương tác thông minh giúp sự tương tác giữa thầy và trò diễn ra nhiều hơn và hiệu quả hơn.
Cô Phạm Thị Bích Trà, giáo viên môn Sinh học của trường cho biết thêm, áp dụng thiết bị tương tác trong giảng dạy thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ có thiết bị tương tác, bài giảng của giáo viên trở nên sinh động hơn, nhiều hình ảnh minh họa, hấp dẫn hơn.
Thao tác trên màn hình rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian so với việc phải viết lên bảng. Tuy nhiên, dạy với thiết bị tương tác thông minh thì giáo viên phải đầu tư soạn bài và thực hiện thao tác trình chiếu hoặc dạy trực tiếp trên bảng tương tác.
Em Võ Đăng Kỳ An (học sinh lớp 11/8, Trường THPT Nguyễn Trãi) cho biết, em và các bạn đều rất thích thú khi cô giáo sử dụng bảng tương tác. “Tụi em có thể nhìn hình ảnh, xem video trên màn hình minh họa cho bài học. Các môn học nhờ đó đều sống động hơn”, An hào hứng nói.
Cũng thực hiện thí điểm sử dụng thiết bị tương tác thông minh từ năm học trước, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) hiện có 14 thiết bị tương tác thông minh được trang bị ở 11 phòng học và các phòng bộ môn.
Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, thiết bị này giúp bài giảng trực quan, sinh động hơn hẳn, giúp các em tập trung theo dõi bài và nhớ bài lâu hơn. Tuy nhiên, vì mới tiếp cận thiết bị nên một số giáo viên thao tác còn chưa thành thạo bởi vậy cần phải có thêm nhiều lớp tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý.
Theo thầy Quốc, với bảng tương tác, khối lượng kiến thức trong một tiết dạy có thể được truyền đạt nhiều hơn hoặc sâu hơn. Thay cho thời gian đọc chép hay ghi bảng, giáo viên có thể cho thêm ví dụ, giảng giải nội dung kỹ hơn. Hoạt động này cũng góp phần nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng đã ứng dụng thiết bị tương tác thông minh vào hoạt động dạy học từ tháng 9-2016. Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được cấp 7 bộ thiết bị tương tác thông minh và chủ yếu sử dụng ở các phòng bộ môn, còn các phòng học (nhà trường có 18 phòng học) thì chưa được trang bị đủ.
“Thiết bị này rất tiện vì giáo viên có thể sử dụng tài liệu trên mạng nên giờ học trở nên sinh động hơn nhiều, học sinh cũng hứng thú hơn trong học tập”, thầy Hưng nói. Tuy nhiên, theo thầy Hưng, nếu đã trang bị thì cần trang bị đồng bộ và được bổ sung thường xuyên. Máy chiếu thường bị hư hỏng, nếu sửa chữa hoặc thay mới thì tốn kinh phí rất nhiều, trong khi kinh phí của nhà trường hạn hẹp. Do đó, ngành giáo dục bên cạnh việc trang bị phương tiện cũng cần có kế hoạch bổ sung, sửa chữa để việc sử dụng đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trang bị thêm thiết bị hiện đại cho các trường là việc cần thiết nhằm nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy hướng đến sự hiện đại và chuyên nghiệp.
Ông Quân cũng cho biết, thành phố đã phê duyệt đầu tư hơn 8 tỷ đồng cho “Đề án đầu tư và trang bị thiết bị hỗ trợ phương pháp dạy học” của năm học 2016-2017. Theo đó, nguồn kinh phí từ đề án dự chi đầu tư và trang bị thiết bị cho 18 trường THPT và 55 trường THCS trên địa bàn thành phố gồm 322 bộ thiết bị tương tác thông minh cho các trường THCS và 120 bộ cho các trường THPT. Đồng thời, thời gian đến, khoảng 500 phòng học ở 77 trường THPT, THCS còn lại sẽ được trang bị đủ thiết bị tương tác thông minh để việc dạy và học đạt hiệu quả.